BIÊN BẢN TRIỂN KHAI NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ DẠY HỌC VIẾT THEO HƯỚNG PHÁT HUY NĂNG LỰC HS Ở LỚP 2
Thứ sáu - 24/02/2023 19:28
A. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, THÀNH PHẦN:
1. Thời gian: 17 giờ 30 phút ngày 24 tháng 2 năm 2023
2. Địa điểm: Phòng hội đồng.
3. Thành phần tham dự: Ban giám hiệu + Toàn thể giáo viên.
* Cô Đặng Thị Thanh Thúy triển khai nội dung “Dạy học viết theo hướng phát huy năng lực ở lớp 2”.
I. Đặt vấn đề:
Ở Bậc Tiểu học, Tiếng việt là một môn học vô cùng quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, Chính tả là một trong những phân môn quan trọng nhất của môn Tiếng Việt. Phân môn này hình thành cho học sinh tri thức và kỹ năng chính tả, phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ ở dạng thức viết và hoạt động giao tiếp. Bên cạnh đó, chữ viết trong phân môn chính tả còn là ký hiệu bằng hình ảnh thị giác ghi lại tiếng nói, mỗi hình nét tương ứng với một đoạn âm thanh có ý nghĩa của tiếng nói.
Chính tả là toàn bộ các quy tắc, quy định về cách viết các đơn vị từ ngữ như cách viết hoa, viết tên riêng, cách viết dấu câu. Chính tả là những quy định mang tính xã hội có tính chất bắt buộc và thống nhất trong cả nước mà không cho phép sự sáng tạo của cá nhân nào trong chữ viết.
Kỹ năng chính tả thực sự cần thiết đối với mọi người, không chỉ đối với học sinh lớp 1,2,3 nói riêng mà học sinh tiểu học nói chung khi đọc một văn bản để viết đúng chính tả, người đọc có cơ sở để hiểu đúng nội dung văn bản đó. Trái lại một văn bản mắc nhiều sai sót về chính tả, người đọc khó nắm bắt nội dung và có thể hiểu sai hoặc không hiểu đầy đủ văn bản. Viết chính tả đúng còn giúp học sinh học tốt các phân môn khác, là cơ sở cho việc học tốt bộ môn Tiếng Việt ở tiểu học.
II. Nội dung phân môn Viết ở lớp 2 theo chương trình GDPT 2018:
Chương trình gồm 35 tuần, mỗi tuần 1 tiết. Nội dung bài chính tả là 1 đoạn trong bài tập đọc hoặc có thể là đoạn tóm tắt của bài tập đọc hoặc đoạn thơ.
Học sinh viết chính tả với những bài thơ, đoạn văn dài 40 - 50 chữ, học sinh làm bài tập ở dạng điền âm, vần vào chỗ trống.
III. Quy trình dạy phân môn Viết ở lớp 2 theo chương trình GDPT 2018:
1. Mở đầu
a.Khởi động
b.KTBC: GV cho HS viết một số từ khó, dễ lẫn ở bài trước.
c.Kết nối: GV dẫn dắt, kết nối vào bài
2. Hình thành kiến thức mới:
- GV đọc mẫu.
- Gọi HS đọc lại bài viết.
-Tìm hiểu nội dung đoạn viết, cách trình bày văn bản.
-GV hướng dẫn HS tìm, phân tích, viết từ khó.
- HS viết bảng con từ khó.
-Nhắc nhở HS tư thế ngồi viết.
- GV đọc bài HS viết vào vở.
-GV đọc bài HS soát lỗi.
-Thống kê lỗi.
-Sữa chữa những HS sai từ 5 lỗi trở lên.
3. Thực hành, luyện tập: HS làm bải tập.
4. Vận dụng, trải nghiệm:
IV. Một số biện pháp thực hiện.
1.Luyện kĩ năng nghe, viết: Giáo viên phải đọc rõ ràng, phát âm thật chuẩn để học sinh phối hợp các thao tác như nghe (Giáo viên đọc), viết (Học sinh thao tác), nhìn (Chữ đã viết)… có như vậy học sinh mới viết đúng chính tả được.
2. Luyện đọc, luyện phát âm: Muốn học sinh viết chính tả đúng phải chú trọng đến khâu luyện đọc nhiều lần, không những chỉ ở phân môn tập đọc mà còn ở các môn khác nữa, phải kiên trì sửa lỗi cho từng em. Vì có đọc thông thì viết mới thạo mà học sinh đọc còn chậm và sai nhiều thì dẫn đến viết chính tả cũng sai. Bên cạnh đó, giáo viên cần hướng dẫn học sinh học theo nhóm để các em tự phát hiện ra lỗi và chỉnh sửa cho nhau.
3. Giải nghĩa từ: Vì học sinh phát âm chưa đúng nên dẫn đến hiểu nghĩa từ sai, viết sai vì vậy giáo viên cần cho học sinh nắm rõ nghĩa của từ để viết cho đúng.
4. Phân tích so sánh: Những tiếng dễ lẫn lộn tôi nhấn mạnh những điểm khác nhau để học sinh nhớ.
5. Rèn chính tả thông qua trò chơi:
Biện pháp này giúp cho học sinh ghi nhớ các âm đọc lên thì giống nhau nhưng khi viết thì khác nhau. Tổ chức cho các em chơi phải có luật chơi, có bình chọn nhóm thắng cuộc để các em có hứng thú trong học tập.
6. Ghi nhớ mẹo luật chính tả: Muốn nhớ và viết đúng chính tả, giáo viên còn hướng dẫn mẹo luật chính tả để các em dễ nhớ và làm bài cho tốt.
Do đặc trưng của phân môn chính tả, đặc điểm về trình độ nhận thức của học sinh Tiểu học mà giáo viên cần tìm tòi mọi biện pháp, hình thức tổ chức học tập nhằm đạt hiệu quả cao.
V. Kết luận:
Để học sinh có chữ viết đẹp, chuẩn mực thì đòi hỏi mẫu chữ của giáo viên cũng phải đẹp và chuẩn mực từ điểm đặt bút đến điểm kết thúc của một con chữ hay một chữ kể cả cách nối nét trong một con chữ và khoảng cách giữa chữ này đến chữ kia.
Khi hướng dẫn các con chữ, giáo viên có thể nâng cao hơn về kỹ thuật viết như: hướng dẫn các em viết nét thanh, nét đậm ở mỗi con chữ. Tạo nét thanh bằng các nét đưa lên tay viết nhẹ, tạo nét đậm bằng các nét kéo xuống ta viết mạnh tay và lưu ý trong quá trình viết tránh trường hợp để gãy bút. Tuyệt đối không được đồ chữ.
Trong quá trình học sinh viết, giáo viên phải quan sát, theo dõi, uốn nắn cho những em viết chưa đúng hoặc ngồi sai tư thế.
Khi viết học sinh lưu ý từng nét, từng con chữ, từng chữ và cách viết.
Giáo viên cần chấm và sửa bài hằng ngày, vì qua chấm bài hằng ngày giáo viên phát hiện những em viết chưa đúng, chưa đẹp, chưa tiến bộ để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn.
Giáo viên còn phải dùng thêm phương pháp nêu gương, cho học sinh xem mẫu những bài viết đẹp và khích lệ cho các em trước lớp khi có tiến bộ.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên cần giải thích cho phụ huynh thấy được ích lợi và tầm quan trọng của việc rèn chữ, giữ vở. Từ đó nhờ phụ huynh hỗ trợ thêm về việc dạy các em học ở nhà để cùng hợp tác, nhắc nhở cho các bài viết ở nhà của các em vì rèn chữ không phải một ngày, một buổi mà phải luyện trong suốt quá trình học tập của tất cả các phân môn, cả ở trường lẫn ở nhà.
Khi áp dụng các biện pháp trên, tôi thấy chữ viết của các em có nhiều tiến bộ.